Bí lối tìm nguồn thanh toán cho Dự án BT nút giao ngã ba Huế

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí vốn cho Dự án nút giao khác mức ngã ba Huế vào cuối tuần trước, Bộ GTVT kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép hoàn trả cho Dự án từ nguồn vốn dự phòng chung 10% theo Nghị quyết số 26/2016/QH14.

Trong trường hợp năm 2017 chưa bố trí được vốn theo kế hoạch hoàn trả quy định tại Hợp đồng Dự án với thời gian hoàn trả từ năm 2017 đến năm 2020, Bộ GTVT  đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giãn tiến độ hoàn trả từ năm 2018 đến năm 2021 và giao UBND TP. Đà Nẵng làm việc với Nhà đầu tư để xác định lại kế hoạch hoàn trả.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo bố trí vốn thanh toán cho Dự án của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ngày 27/6, Bộ GTVT đã tổ chức buổi làm việc với sự tham gia của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND TP. Đà Nẵng và nhà đầu tư để bàn giải pháp xử lý vấn đề nêu trên.

Tại cuộc họp, các cơ quan tham gia đã thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận Bổ sung danh mục Dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ GTVT.

Tuy nhiên,  hiện  mức vốn theo kế hoạch trung hạn của Bộ GTVT như đã nêu trên không đủ để bố trí hoàn trả cho các dự án BT. Mặt khác, do khó khăn về nguồn vốn, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng ngay mức vốn dự phòng 10% của Bộ GTVT chưa phân bổ để bổ sung một phần vốn đối ứng còn thiếu cho các dự án ODA và 27 dự án NSNN đang triển khai dở dang nên không thể cân đối để hoàn trả cho Dự án từ nguồn vốn này.

Được biết, Dự án nút giao thông khác mức ngã ba Huế, Tp. Đà Nẵng có tổng mức đầu tư 2.051 tỷ đồng, trong đó: 1.971 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn BT; 80 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố Đà Nẵng để hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng. UBND thành phố Đà Nẵng (thực hiện chức năng Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) đã lựa chọn Nhà đầu tư là Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn ngã ba Huế Trung Nam.

Theo phụ lục hợp đồng mà UBND TP. Đà Nẵng đã ký với Nhà đầu tư, Dự án hoàn trả cho Nhà đầu tư là 2.378,859 tỷ đồng và kế hoạch thanh toán dự kiến như sau: Năm 2017 là 626,203 tỷ đồng (26%); Năm 2018 là 777,748 tỷ đồng (33%); Năm 2019 là 503,839 tỷ đồng (21%); Năm 2020 là 471,069 tỷ đồng (20%).

Trên cơ sở cam kết nói trên, Nhà đầu tư đã vay vốn ngân hàng SHB triển khai đầu tư dự án và đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ ngày 29/3/2015.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau hơn 2 năm công trình được đưa vào khai thác, Dự án không những không được đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn mà Đà Nẵng cũng phớt luôn cam kết với nhà đầu tư khi đẩy trách nhiệm lên các bộ, ngành.

Nhà đầu tư hiện giờ như ngồi trên “đống lửa” bởi nếu thanh toán cho Dự án không đúng hạn nhà đầu tư sẽ bị phạt chậm trả với lãi suất 150% đối với phần dư nợ vốn vay. Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ bị đưa vào diện doanh nghiệp có dư nợ xấu, điều đó làm ảnh hưởng đến một loạt dự án mà nhà đầu tư đang triển khai hiện nay.

Theo Báo đầu tư